Chi tiết bài viết

Về kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức Về kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức Về kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Ngày đăng: 18/12/23

Bài viết phân tích những quy định mới và các giải pháp thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

 

Tuyển dụng công chức là việc lựa chọn và chấp nhận một người tự nguyện gia nhập vào công vụ, sau khi đã xác nhận người đó có đủ điều kiện và tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của một vị trí việc làm nhất định trong nền công vụ. Hoạt động tuyển dụng công chức là khâu đầu tiên trong chu trình quản lý công chức và có ý nghĩa quyết định chất lượng của đội ngũ công chức, bởi vì nếu tuyển dụng được đúng người có phẩm chất và năng lực phù hợp với vị trí việc làm sẽ tạo nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Đồng thời, công chức được tuyển dụng dễ dàng bắt nhịp được với công việc, không mất nhiều thời gian và kinh phí để đào tạo lại, khắc phục tình trạng lãng phí các nguồn lực của nền công vụ.

Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đặt ra yêu cầu: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Khoản 6 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 39 như sau: “2. Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. 3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này”.

Tiếp đó, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, ngày 21/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, nội dung, hình thức và việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia tuyển dụng vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Mục đích của thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức là nhằm thống nhất việc đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Nguyên tắc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức được Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định rõ: 1) Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; 2) Bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; 3) Kết quả kiểm định được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc; 4) Không hạn chế số lần được đăng ký dự kiểm định đối với mỗi thí sinh; 5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính với nội dung kiểm định là: “Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử”. Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Kết quả này được sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc và có giá trị trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn này, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức; việc kiểm định được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm. Theo quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP, từ ngày 01/8/2024 cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

mobie

Bài viết mới